Saturday, 10 June 2017

Lượm lặt ở đám giỗ thủ tướng Võ Văn Kiệt



FaceBook Lưu Trọng Văn




Lượm lặt ở đám giỗ thủ tướng Võ Văn Kiệt




(kỳ 1, 2.6.2017)

Thế là thời gian lùi thêm 365 ngày nữa để cán đích 9 năm ông Võ Văn Kiệt đi xa.

Đúng hẹn, gã và Huỳnh Sơn Phước người từng cùng Kim Hạnh đình đám báo Tuổi Trẻ một thời, đến nhà GS Tương Lai. Xe của Hiếu Dân con gái cưng của ông Kiệt chờ sẵn. Đón thêm Lê Công Giàu, thế là một mạch đến Nghĩa trang TP viếng mộ ông Kiệt.

Trên xe lại rôm rả chuyện.

Gã nói mới đây Nhà báo Quốc Phong, nguyên phó TBT báo Thanh Niên có kể chuyện ông Vũ Kỳ thư ký riêng cụ Hồ trước khi mất có mời cán bộ Viện Bảo tàng HCM tới ghi âm ông bật mí về những gì liên quan đến tình riêng của cụ Hồ. Trong đó có nói Trung ương tính giới thiệu một cô gái nết na xinh đẹp cho cụ, nhưng rồi một cán bộ trẻ từ Nam Bộ ra dự Đại hội Đảng ở chiến khu Việt Bắc đã rước nàng trước.

Gã khoái tính cách anh hai Nam Bộ này quá. Yêu là bất chấp tất cả.

Gã thú thật có nghe đồn rằng anh hai Nam Bộ này chính là ông Kiệt. Nhưng đây là chuyện vô cùng tế nhị, gã được bác Tương Lai phê cho một trận tơi bời khi một lần vui miệng toe toe chuyện đồn mà bác Tương Lai bảo là "bậy bạ" này. Gã hiểu có thể chuyện đồn đại ấy đối với cha gã một nhà thơ đa tình thì cả nhà gã reo vui và chúc mừng cha gã, nhưng với nhiều gia đình khác nhất là gia đình của những chính khách nghiêm túc thì dễ bị phản ứng quyết liệt. Thôi, tốt nhất bỏ qua chuyện này. Gã cảm thấy có lỗi với người thân của ông Kiệt khi từng truyền bá cái tin đồn thất thiệt ấy. Gã xưa nay vốn dễ mà, có lỗi, chân thành nhận lỗi ngay.

Vẫn là chuyện yêu đương của các cụ.

Lê Công Giàu kể hồi qua Quảng Tây, Trung Quốc công tác, ông tổng lãnh sự VN tại Quảng Tây dẫn ông Giàu đi thăm Viện bảo tàng Cách mạng. Ông chỉ một bộ áo quần của phụ nữ Trung Hoa xếp trong tủ kính và bảo đây là bộ đồ của bạn gái của cụ Hồ do vợ chồng Chu Ân Lai giới thiệu.

Chuyện này hình như ai cũng biết rồi nên gã không khai thác, người phụ nữ Trung Hoa ấy là ai và có cưới xin gì với cụ nhà mình không, nhưng gã ghi nhận trên xe trừ bác lái xe thì bốn tên đàn ông đều nhất trí cao ở nhận định: đàn ông nào hăng hái chuyện trai gái, tình tang thì đều mạnh mẽ tính cách và máu phiêu lưu sáng tạo. Xưa nay đàn ông xìu xìu ển ển chuyện yêu đương đều chả làm nên cơm cháo gì.

Hê hê, vì vậy tất cả nhất trí ngợi ca cụ nhà mình nếu biết cụ rất... đàn ông.

Vẫn tiếp chuyện tình của các cụ nhà mình, gã hỏi bác Tương Lai và nhà báo nổi tiếng Huỳnh Sơn Phước về chuyện cô X.

Phước kể có lần ông Vũ Kỳ có đến báo Tuổi Trẻ kể về người con của bà X. tên là Tr. Ông Kỳ có thời gian chăm sóc Tr., ngày lễ 1.6 là dẫn Tr. vào Chủ tịch phủ chơi và Tr. thường xuyên được cụ Hồ cho kẹo.

Còn Tr. là con của ai với bà X..?

Bác Tương Lai bảo, có lần bác có hỏi nhà thơ Việt Phương là người gần cụ Hồ và thủ tướng Phạm Văn Đồng chuyện bà X.

Nhà thơ kể, hồi đó Trung ương vẫn muốn giới thiệu cho cụ Hồ một cô gái nết na, dễ coi để làm vợ. Thế là cánh thanh niên giới thiệu cô X. một đoàn viên trẻ về làm việc ở Chủ tịch phủ. Lúc ấy nhà thơ Việt Phương là bí thư Đoàn Văn phòng Chính phủ nên được đặc trách hướng dẫn công việc cho cô X. Cô X. rất chăm chỉ làm việc, chăm sóc cụ Hồ, thường xuyên lên nhà sàn quét dọn vệ sinh.

Được một thời gian thì nhà thơ Việt Phương đề cập ý định của cấp trên muốn cô X. và cụ Hồ có quan hệ khắng khít hơn. Nhà thơ Việt Phương kể cho GS Tương Lai là cô X. giãy nảy không chịu, thế là cụ Hồ bảo đừng ép cô ấy, để cô ấy trở về quê.

Gã nghĩ, ông cụ nhà mình sao cái chuyện ấy của riêng mình cứ thụ động thế, hừ phải tay gã ấy à...

Thực hư thế nào, chịu, nhưng theo nhà báo Quốc Phong thì ông Vũ Kỳ có kể mà bà Tình giám đốc Viện bảo tàng HCM ghi lại thì sau này mấy tay bảo vệ có cưa cẩm cô X. rồi cô X. mang thai... Gã mở ngoặc ở đây một tẹo, theo Quốc Phong thì không hiểu sao cuốn băng ghi âm lời ông Vũ Kỳ bị ... mất nên chả thể biết được ghi chép của bà Tình về chuyện mấy tay bảo vệ ẩm à ẩm ương với cô X. có đúng không. Hơn nữa gã trộm nghĩ nếu Tr. là con của tay bảo vệ nào đó thì việc gì ông Vũ Kỳ lại phải nuôi nhể ? Còn chuyện cô X. sống chết ra sao, thôi gã chỉ đọc lơ mơ nên không dám luận bàn.

Xe đi vòng vèo vẫn chưa tới Nghĩa trang, thế là vẫn chuyện tình.

Lần này là chuyện tình của bà Ngọc Toản chị ruột GS Tương Lai. Chả là ngày này 63 năm trước tại chính hầm De Castries ở Điện Biên phủ ngay sau chiến thắng Điện Biên có đám cưới của bà Ngọc Toản với một chỉ huy chiến dịch ĐBP là Cao Văn Khánh.

Trước đó tướng Vương Thừa Vũ sư trưởng sư 308 gặp mẹ bà Toản xin bà cho phép sư phó Cao Văn Khánh được yêu cô gái quân y xinh đẹp Ngọc Toản. Tướng Vũ khoe, cậu Khánh này đánh giặc rất giỏi. Bà cụ bảo : tôi chỉ cần thằng rể tử tế thôi chứ không cần đánh ai giỏi cả.

Thôi, tới nghĩa trang rồi.

Mộ ông Kiệt gần mộ luật sư Nguyễn Hữu Thọ và mộ TBT Nguyễn Văn Linh. Duy nhất bia đá bên mộ ông Kiệt có hình ông và vợ cùng tên của hai vợ chồng. Hiếu Dân đã trồng hai bồn hoa sen Nam Bộ mùa sen nở rực trước mộ.

Trên mộ lúc này chỉ vòng hoa của phó thủ tướng Vũ Đức Đam – người từng là thư ký thân thiết của ông Kiệt. Năm ngoái ngày này gã tới cũng chỉ thấy vòng hoa của ông Đam mà không thấy vòng hoa của quan chức nào khác.

GS Tương Lai rớm nước mắt đứng trước mộ ông Kiệt. Gã nghe từ GS điều mà GS thường đau đáu khi nhớ về ông Kiệt : ước gì lúc này có anh, anh Sáu ơi ! Dân tộc và đất nước cần anh biết chừng nào.

Sau khi viếng mộ, gã theo GS Tương Lai, ông Lê Công Giàu, nhà báo Huỳnh Sơn Phước tới đám giỗ ông Kiệt ở nhà Hiếu Dân, gã thấy gì, nghe gì ở đám giỗ này, ngày mai xin kể tiếp.

(kỳ 2, 4.6.2016)

Khi xe chở gã tới Khu Lan Anh bên sông Sài Gòn thấy ngoài cổng có nhiều xe hơi biển xanh trắng tùm lum. Hiếu Dân trong bộ đồ màu đen tới bên xe dìu GS Tương Lai tuổi 82 vào nhà. Có chú Sáu Phong đang ngồi trỏng. Hiếu Dân nói.

10g30 rồi, gã nghĩ theo như mọi lần thì ông Tư Sang không dự tiệc chắc đã tới và đã về, còn đương nhiên ông Ba Dũng theo "đúng quy trình" sẽ tới muộn hơn.

Qua một cây cầu gỗ nhỏ vào ngôi nhà thờ giữa hồ nước có sen và cá lượn bơi. Bàn thờ nghi ngút khói hương và tràn ngập hoa và vòng hoa, liếc cái, gã thấy nhiều vòng hoa đề tên, chức vụ của các bác lãnh đạo hàng đầu cũ và mới.

Gã nhớ hồi đám tang cha gã, vòng hoa nào cũng có băng rôn đề chức vụ, vai vế người viếng. Riêng vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp và ông Lê Quang Đạo không đề chức tước gì sất mà chỉ đề "Võ Nguyên Gíáp và vợ' và "Lê Quang Đạo và vợ" kính viếng nhà thơ... Tại sao vậy? Vì họ hiểu cha gã thích gì và ghét gì.

Gã có nói với Huỳnh Sơn Phước tại nghĩa trang khi thấy trên mộ ông Kiệt có vòng hoa đề "phó thủ tướng Võ Đức Đam kính viếng nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt" : nếu tôi là ông Đam một cộng sự thân thiết của ông Kiệt thì tôi sẽ đề "Cháu Đam đây, chú Sáu ơi!". Chắc ông Kiệt sẽ vui lắm vì thấy đứa cháu thư ký của mình hiểu mình.

Hiểu ông Kiệt người đặt tên con gái yêu là Hiếu Dân và lấy bí danh là Sáu Dân có gì đâu ngoài một chữ "tình". Tình với nhau, tình với nước, tình với dân.

Hiếu Dân có ý mời nhóm của bác Tương Lai ngồi cùng bác Sáu Phong ở bàn uống nước chờ nhập tiệc. Chiếc bàn này ở bên dưới bức ảnh ông Kiệt nơi ông Kiệt thường ngồi tiếp khách khi cuối đời ông bỏ biệt thự trên đường Tú Xương của nhà nước về ở với con gái để chuẩn bị làm thủ tục trả nhà cho Nhà nước. Bác Tương Lai cười bảo : để chú về chỗ xưa nay thường ngồi thôi. Đó là chiếc bàn chầu rìa mà Hiếu Dân cười bảo : bàn quan sát.

Ngồi trong phòng khách một lúc, ông Sáu Phong tức nguyên chủ tịch Nguyễn Minh Triết đòi ra bàn ngoài trời kê bên sông Sài Gòn khúc nhìn ra cầu Thủ Thiêm, để ngồi cho thoáng mát. Ông cười rất bình dị như bản tính xuề xòa nông dân của ông : tui quen ngồi giữa trời đất rồi.

Trong Chính phủ một thời có hai ông Sáu. Thủ tướng Võ Văn Kiệt là Sáu lớn còn phó thủ tướng Phan Văn Khải là Sáu nhỏ. Vì Ông Nguyễn Minh Triết lúc ấy là bí thư thành ủy TP.HCM nên không được xếp hạng gọi là Sáu gì sất ngoài thẳng đượt "Sáu Phong" bí danh xưa nay của ông.

Khi ông Sáu Phong cùng một loạt quan chức ra ngoài trời thì gã thấy trung tướng Võ Viết Thanh, cao, gầy ngẳng, trán rộng xuất hiện. Ông được mời ra ngồi cùng bàn với ông Sáu Phong nhưng ông từ chối, ông chọn một chiếc ghế đối diện với bác Tương Lai rồi bảo: Giữ ghế này cho tui, tui ra chào cụng một ly với ông Sáu sẽ quay lại ngay.

Bàn gã ngồi ngoài bốn anh em chung một chuyến xe có thêm nàng nhà báo Thế Thanh, nguyên phó chủ tịch Hội Phụ nữ TP.HCM người mặc áo có viết dòng chữ trên lưng "Hoàng Sa- Trường Sa của Việt Nam" trong các cuộc xuống đường chống Trung Quốc xâm lấn biển đảo, nhà thơ Nguyễn Duy và thỉnh thoảng nhạc sĩ Hà Dũng có làm kinh doanh cũng chỉ để mua vui cho các nàng ca sĩ trẻ xinh, thoắt ngồi thoắt biến.

Ông Lê Hồng Anh thân hình bệ vệ mặc sơ mi nâu lững thững bước vào. Ông có khuôn mặt với đôi mày rậm như Trương Phi cứ thế đi về phía hình như ông đã biết trước chỗ nào dành cho ông.

Trung tướng Võ Việt Thanh đã trở lại chỗ mà ông "xí" trước. Gã quý ông tướng từng một thời là anh hùng chỉ huy những trận đánh đầy mưu lược trong chiến tranh ở xứ dừa Bến Tre, và cũng là một người chịu học, chịu mày mò, sáng tạo ra những khẩu pháo bắn không giật làm GS Trần Đại Nghĩa chuyên gia chế tạo vũ khí phải kinh ngạc.

Gã càng quý ông hơn khi chính ông khi là thứ trưởng Công an phụ trách an ninh đã có những chính sách thông thoáng để Việt Kiều về thăm quê hương. Và, đặc biệt chính ông đã là người bất chấp các áp lực của cấp cao nhất trong vụ án Sáu Sứ vu khống tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Trần Văn Trà âm mưu đảo chính chống đảng để tìm ra sự thật bảo vệ danh dự cho tướng Giáp và tướng Trà.

Chính vì sự dũng cảm cương quyết ấy ông đã bị vu khống về lý lịch, rằng bố mẹ ông là Việt gian bị cách mạng trừng trị chứ không phải đã hy sinh cho cách mạng. Khi nghe những lời xúc phạm bố mẹ mình như vậy, ông kể cho nhà báo Huy Đức và nhà báo Lê Phú Khải là ông đã tính rút súng bắn những người vu khống bố mẹ ông.

Bây giờ ông ngồi đó cười hiền lành biết bao.

Gã bảo trông anh Bảy khỏe ra đấy. Ông nói nhờ tập luyện và chơi thể thao. Gã hỏi anh chơi món gì ? Ông bảo chơi golf. Nói xong ông trầm ngâm một chút rồi nói tiếp :

Không vì tôi khoái chơi golf mà tôi ủng hộ chuyện mấy cha xây sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất đâu. Đi đâu tôi cũng phản ứng. Tôi đã kiến nghị lên các cấp cao đòi dẹp bỏ sân golf này trả cho sân bay để mở rộng sân bay. Tôi nói có cái việc đó mà các anh không làm được thì sao dân tin các anh ?

Gã hỏi tướng Võ Viết Thanh nghĩ gì về quyết định mới đây của Bộ Chính trị sẽ kiểm tra tài sản của 1.000 cán bộ cấp cao mà Bộ Chính trị quản lý. Tướng Thanh đáp: Thật ra tôi không quan tâm lắm chuyện này. Tôi chỉ quan tâm cái gốc là cần phải thay đổi thể chế sang dân chủ.

Huỳnh Sơn Phước nghe vậy thì máu nhà báo nổi lên độp hỏi ngay :
– Vậy thì cách nào theo anh ?
– Phải có đối lập xây dựng.
– Anh nói rõ hơn được không ?
– Điều này tôi đã kiến nghị công khai với các vị cao cấp nhất. Đó là thành lập thêm bên cạnh đảng cộng sản như hiện nay một đảng mà cụ Hồ từng thành lập đó là đảng Lao động.

Gã cười như để làm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vấn đề : Thì hai anh em trong nhà cạnh tranh lành mạnh với nhau thôi phải không anh ? Thì vẫn tư tưởng Hồ Chí Minh, thì vẫn chủ nghĩa xã hội như đảng Dân chủ với Cộng hòa bên Mỹ vẫn chung một tư tưởng đó là lợi ích nước Mỹ và Hiến pháp Mỹ.

Hê, thực tình gã cho rằng đây là vấn đề nội bộ của đảng cộng sản, với tư cách một quần chúng ngoài đảng và thú thật từng là cảm tình đảng... lão thành vì chờ hoài vẫn chả ma nào chịu kết nạp, gã trộm nghĩ, đất nước vẫn trong tay các bác ấy, anh em, con cháu một nhà dù là Cộng sản hay Lao động có đi đâu mà sợ nhể ?

Chuyện đang rôm rả trong bàn gã ngồi nào là nếu có tổ chức đối lập xây dựng do chính Đảng lập ra thì ai sẽ giơ tay đăng ký là đảng viên Lao động, ai sẽ giơ tay đăng ký ở lại đảng Cộng sản thì xuất hiện trung tướng Lưu Phước Lượng nguyên phó tư lệnh quân khu Chín.

Thấy Thế Thanh, tướng Năm Lượng nắm chặt tay : Lúc ba em hy sinh năm Mậu thân 68 ngay cửa ngõ Sài Gòn tôi ở cách hầm của ổng 200 mét. Khúc ấy chỉ có ruộng, tụi trực thăng rà bắn rất rát trúng hầm của ba em. Ba em lúc đó là sư trưởng sư Năm. Nè chồng em luật sư Trương Trọng Nghĩa phát biểu ở Quốc Hội hay lắm, tôi rất ủng hộ đó. À, mà các ông đang bàn chuyện gì vậy ?

Huỳnh Sơn Phước nói ý của tướng Võ Viết Thanh rồi hỏi tướng Năm Lượng, anh ủng hộ không ?

Tướng Năm Lượng đáp : Tôi nghĩ cái gì thì cái đảng phải triệt để đổi mới. Tôi nói các nhà báo ở đây cứ việc ghi âm vì những điều này tôi đều đã công khai phát biểu cho các cấp lãnh đạo rồi.

Gã hỏi, nếu đảng không triệt để đổi mới thì sao ạ ?

Tướng Năm Lượng xòe hai cánh tay ra và nói : Thì sẽ mất ráo lòng dân, thì... có quy luật cả rồi, có ai thoát khỏi quy luật đâu ?

Bàn đã lấp đầy những món ăn dân dã đặt trên mẹt, trên lá hoa sen, trên vỏ thân chuối. Rượu được rót ra. Tướng Năm Lượng với tính cách lính chiến Nam Bộ cầm ly rượu tớp cái ực : Phải triệt để đổi mới thôi mới tồn tại được.

*

Gã có điện thoại của một chú em quê Nam Định say mê làm phân bón hữu cơ, ra ngoài nghe, tám, trở lại nghe ai đó nói ông Ba Dũng vừa tới.

Gã hỏi bác Tương Lai, ông Ba có đến không ? Bác Tương Lai nói, hình như có tới đấy. Chiếc bàn ở trung tâm phòng khách đối diện với chiếc bàn mà gã đang ngồi năm ngoái, ông Ba ngồi cùng các ông Lê Hồng Anh, Trương Hòa Bình, Đinh La Thăng, Phan Thanh Bình, Trần Hồng Quân giờ để trống.

Vì sao nhể ?

Gã cảm nhận vì sao rồi. Nhưng không thể toẹt ra được.

Xuất hiện GS Nguyễn Thiện Nhân, tân bí thư thành ủy TP.HCM. Năm ngoái thì tân bí thư Đinh La Thăng.

Xuật hiện Võ Văn Thưởng, chàng trai ủy viên BCT trẻ nhất, người vừa gây bão dư luận với tuyên bố : Sẵn sàng đối thoại với những người khác chính kiến.

Và chuyện cà kê cũng dài rồi, gã buông gõ phím đây vì 6 giờ tối phải gặp các bác Huỳnh Tấn Mẫm, Mai Anh Tài các chuyên gia chữa bệnh tự kỷ. Gã thú thật những lúc thất tình gã đã từng là... trẻ tự kỷ mà chuyện thất tình thì với gã sẽ còn dài dài nên cũng cần lắm những kinh nghiệm phòng tránh... tự kỷ.


(kỳ 3, 5.6.2016)

Đầu tiên gã xin nói về những phản hồi từ hai bài lượm lặt của gã đã.

Khi gã gửi bạn đọc của gã những lượm lặt của gã tại đám giỗ ông Võ Văn Kiệt, gã biết có một số bạn của gã sùng sục, nóng vội cực đoan không hài lòng thậm chí chê bai gã là người thân cộng. Gã tôn trọng các bạn ném đá gã ấy và giản đơn mỉm cười.

Có lần gã nói với nhạc sĩ Phạm Duy, yêu nước như chú, tên tuổi như chú nhưng cháu bảo đảm nếu chú ra Hồ Gươm đứng chả mấy chốc Hồ Gươm sẽ bị lấp đầy đá của người thân cộng và chống cộng. Nhạc sĩ Phạm Duy cười rồi nói: Chả thế mà có người bảo tôi chống cộng, tôi bảo tôi chỉ chống gậy thôi. Có người bảo tôi yêu cộng, tôi bảo, tôi yêu gái đã đủ mệt nhoài rồi.

Nhưng trong sâu thẳm gã biết nhạc sĩ Phạm Duy, người đã bỏ tất cả để trở về quê hương, rất buồn vì ngay trong lòng đất nước vẫn còn quá nhiều phân ly.

Thế giới mạng thật muôn màu. Gã thành thật yêu cái thế giới muôn màu đó miễn là đừng phản bội dân tộc, đừng ác độc với con người.

Tiếp.

Gã nhận được hai cú điện thoại. Một của nguyên tổng biên tập một tờ báo khẳng định rằng tướng Võ Viết Thanh có nói ông không hề có ý định rút súng bắn ai khi vu khống bố mẹ ông là Việt gian.

Tiếp.

Gã nhận được một cú điện thoại của một người thân với phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết là ông Đam gửi tiền nguyên năm cho cô bán hoa ở nghĩa trang để mỗi ngày cắm hoa tươi trên mộ ông Kiệt. Mỗi lần giỗ ông Kiệt ông Đam đều trực tiếp đem hoa sen hồ Tây Hà Nội vào và trực tiếp cắm trên mộ ông Kiệt.

Ông Đam chưa một lần làm vòng hoa có băng rôn "phó thủ tướng Vũ Đam Đam kính viếng nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt" như gã hai lần trực tiếp thấy. Hỏi ra thì chính cô bán hoa đã hăng hái làm việc này mà không hề báo với ông Đam.
Người thân của ông Đam bảo : nếu anh không tin, em sẽ cho anh số điện thoại của anh Đam để anh hỏi trực tiếp xem có đúng thế không. Gã đáp, gã tin và gã rất vui và xúc động khi nghe câu chuyện trên.

*

LY RƯỢU CUỐI CÙNG


Ngồi bên gã là Nguyễn Duy, người vừa đi một chuyến đọc thơ dọc các dòng sông của Việt Nam, Lào, Thái Lan về. Nguyễn Duy xưa nay điềm tĩnh trước thời cuộc mặc dù đã một thời ông không chỉ đẫm nước mắt Nhìn tổ quốc từ xa, trường ca về thân phận đất nước mà ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Thương mại thuộc làu làu, mà ông Võ Văn Kiệt lúc buồn lại bảo: Cậu đọc lại cho mình nghe đi, mà còn luôn cùng ông Kiệt trong lòng tổ quốc đau đáu chuyện mất còn của văn hóa, lịch sử dân tộc.

Duy thủ thỉ vào tai gã bỏ qua bên ngoài bàn tiệc những tiếng... ra vô :

Hôm ấy ông Sáu kêu tôi tới nơi ông ở bên Hồ Tây để bàn về việc tổ chức Hội thảo về nhà Nguyễn. Ông Sáu muốn công bằng với các chúa Nguyễn, vua Nguyễn và trả lại các giá trị cũng như công lao của nhà Nguyễn đối với đất nước. Ông cho rằng Sài Gòn, Hà Nội khó có thể tổ chức hội thảo này vì sẽ có nhiều tiếng nói cấm cản, Huế thì lại càng khó hơn. Ông hỏi tôi theo cậu nên tổ chức ở đâu. Tôi bảo theo em nên tổ chức ở Thanh Hóa nơi phát xuất nhà Nguyễn. Ông gật đầu tán đồng.

Ông bảo sẽ trao đổi với Phan Huy Lê để lo phần nội dung còn phân công tôi lo phần tổ chức. Tiền thì ông vận động một số doanh nghiệp, địa phương đóng góp. Ông còn nói thêm các địa phương Nam bộ, nhất là Sài Gòn phải biết ơn các chúa Nguyễn khai khẩn, mở đất mới có hôm nay. Khi hội thảo ông sẽ dẫn một đoàn đại biểu các tỉnh Nam bộ và Sài Gòn ra dự.

Tôi đi lo làm việc với lãnh đạo Thanh Hóa về, rất phấn khởi vì lãnh đạo Thanh Hóa rất ủng hộ Hội thảo này, tôi điện thoại để hẹn gặp ông. Ông Sáu trực tiếp hẹn tôi giờ và địa điểm để gặp.

Đúng giờ, tôi tới. Tôi ngạc nhiên chưa thấy ông Sáu đâu. Đây là lần đầu tiên tôi thấy ông không đúng giờ hẹn với tôi. Vì các lần hẹn trước đúng giờ tôi tới đều thấy ông ngồi chờ trước để thấy tôi thì cười rất tươi rồi. Không phải với riêng tôi mà với bất cứ khách nào của ông, ông cũng đối xử vậy.

Tôi im lặng chờ, hơn 15 phút sau thì từ phòng riêng của ông, ông Lê Hồng Anh, lúc ấy là bộ trưởng bộ Công An bước ra. Ông Sáu bắt tay tôi vẫn cái bắt tay ấm áp và chặt. Xong ông ngồi xuống im lặng. Tôi thấy nét buồn, âu lo trên khuôn mặt ông Ông nói :

Cậu à, mình vừa trao đổi với anh Lê Hồng Anh hãy thả ngay hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến và Nguyễn Văn Hải trong vụ PMU18 ra. Mình bảo tại sao lại bắt gấp thế ngay trong dịp diễn ra Đại hội Phật giáo thế giới ở nước ta như thế này. Thất chính trị lắm. Hàng nghìn nhà tu hành trên khắp thế giới tới ta, họ sẽ nghĩ sao ? Anh Lê Hồng Anh bảo, anh ấy không thể thả được,...

Khi gã ghi lại những dòng kể này chắc chắn những nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải, Nguyễn Công khế, Nguyễn Quốc Phong những người trong cuộc quá biết vì sao tướng Lê Hồng Anh không thể nghe lời khuyên của ông Sáu Dân được.

Nguyễn Duy kể tiếp :

Tôi báo cáo việc tôi đã làm cho ông Sáu nghe. Ông bảo cần vụ đem ra chai rượu. Ông rót cho tôi một ly, cho ông một ly gọi là để mừng cho Hội thảo về vai trò của nhà Nguyễn sắp diễn ra như Hội thảo về Phan Thanh Giản do chính ông tổ chức đã diễn ra góp phần khôi phục lại công lao của Phan Thanh Giản đối với Nam Bộ.

Ông và tôi cạn ly.

Cả ông và tôi đều không thể ngờ rằng đó chính là ly rượu cuối cùng của ông trên cõi đời này. Cõi đời mà ông vô cùng thiết tha yêu và luôn nôn nóng mong làm được thật nhiều việc lợi ích cho nó.

Hôm sau ông bị ốm.

Một thời gian sau, ông vĩnh viễn ra đi.
(kỳ 4, 6.6.2016)

Có bạn của gã trách gã, đến đám giỗ nhà người ta tại sao kể chuyện linh tinh, linh ta về những người đều là người thân của nhà người ta trong đám giỗ nhà người ta làm gì?

Rõ là lời trách chính đáng lắm.

Gã phân vân rất nhiều vì gã hiểu cái đạo lý ở đời. Gã thấy mình có lỗi với Hiếu Dân con gái của ông Kiệt, người chỉ muốn ngày giỗ của cha mình sao cho trong ấm ngoài êm, cho cái tình, cái nghĩa dầy thêm. Gã càng thấy mình có lỗi với Hiếu Dân khi biết có một số nhân vật cấp cao được gã mô tả trong đám giỗ năm ngoái và trong đám giỗ năm nay trách cứ.

Nhưng bạn của gã ơi, lòng gã nào yên.

Viết tới đây nước mắt tự dưng chảy.

Gã vốn chỉ là gã hề yếu đuối như một cơn gió vu vơ lướt qua cuộc đời này thôi, nhưng trót lửng lơ, trót nhìn thấy muôn cảnh vật quê hương để mà yêu, trót nghe thấy, nhìn thấy bao nỗi khổ đau của đồng bào để mà thương mà xót xa, trót ngửi đẫm mùi khói của thù hận, đố kỵ để mà căm giận… Trót, trót, trót... mất rồi…

Trót nhận ra đám giỗ của một trong những con người gã kính trọng nhất trong những người cộng sản không đơn thuần chỉ là một đám giỗ mà còn là cả một câu chuyện liên quan tới lịch sử đương đại của dân tộc, tức là liên quan tới vui buồn của đồng bào, tức là liên quan đến ước vọng, khát khao đổi mới đất nước và trớ trêu thay mà còn là cả một… sân khấu đời. Ở đó gã nhận ra những nhân vật mà thật - giả, tử tế - ủ mưu, trách nhiệm và phủi tay…đan xen nhau.

Đất nước đói thông tin. Chuyện thâm cung bí sử chỉ mua vui cho kẻ tò mò. Nhưng chuyện bộc lộ những tính cách, những suy tư thật nhất của những con người như tướng Võ Viết Thanh, tướng Lưu Phước Lượng, những con người từng vào sinh ra tử, trực tiếp cầm súng, đổ máu cho thể chế hôm nay đang nghĩ gì về chính cái thể chế ấy, đang khát khao điều gì cho đất nước, gã cảm nhận như những ngọn lửa của sự thánh thiện, của lòng yêu nước rất cần được chuyền từ tay người dân này qua tay người dân khác, từ tay đảng viên cộng sản này qua tay đảng viên cộng sản khác.

Thú thật, cà kê dê ngỗng nhiều nhời nhưng trong gã đọng lại mãi lời của tướng Thanh như âm vang chủ đạo cất lên từ chính hương hồn ông Võ Văn Kiệt:

“Tôi chỉ quan tâm tới thể chế dân chủ”.

Tướng Thanh đã nói tới cái cốt lõi của tất cả, cái cốt lõi mà từ đó vui đi ra, buồn đi ra, từ đó một dân tộc có thể thăng hoa và cũng có thể đắm chìm trong màn đêm của nghèo đói.

Lòng dân ở đấy. Mất lòng dân ở đấy.

Nói vậy, nhưng là một người từng là trùm ngành an ninh ông quá hiểu thực tế các tương quan và lộ trình hòa bình cho tiến trình đi đến một thể chế dân chủ đó để đất nước vừa phát triển kinh tế vừa hòa nhập thế giới, vừa chống ngoại xâm vừa hoàn thiện tử tế hơn.

Ông, và gã tin rằng, không riêng ông, những người tự thấy phải có trách nhiệm với đất nước này chỉ đề xuất một lối thoát rất nhẹ nhàng ra khỏi ao tù nước đọng bấy lâu của sự độc quyền: Đối lập xây dựng.

Gã rất trân quý cách dùng từ rất cẩn trọng của tướng Thanh, vì nó là kết quả mà những người theo tinh thần của Võ Văn Kiệt, theo tư tưởng của Võ Văn Kiệt tâm huyết trăn trở và phát tín hiệu công khai.

Gã nhớ lại 20 năm trước chính ông Kiệt khi là thủ tướng đã cho thành lập Uỷ ban Thanh niên. Gã hiểu thâm ý của ông Kiệt là chuẩn bị một mô hình “đối lập xây dựng” cạnh tranh lành mạnh với Đoàn Thanh niên và Hội Liên hiệp Thanh niên cơ quan nối dài của Đoàn. Là người có cảm quan thực tiễn và như nhà thơ Nguyễn Duy nhận xét ông Kiệt là một tài năng từ dân không qua bất cứ lò kinh viện nào, hơn ai hết hiểu cái sự đời đương nhiên:

Độc quyền là tự sát.

Lúc ấy gã cùng các nhà báo từ bỏ báo Lao Động như Lý Quý Chung, Trần Trọng Thức, Hoàng Thoại Châu (Ba Thợ Tiện), Chóe, Đinh Quang Hùng theo chỉ đạo của ông Kiệt thành lập tờ báo Thanh niên Thời đại, cơ quan ngôn luận của Uỷ ban Thanh niên.

Tờ báo tạo dư luận mạnh mẽ vì những bài viết mang tính phản biện. Nhưng rất tiếc chỉ một thời gian ngắn sau những người bảo thủ trong đảng nhận ra nguy cơ mất độc quyền lãnh đạo thanh niên của tổ chức Đoàn nên đã biểu quyết dẹp bỏ Uỷ ban Thanh niên, đồng nghĩa với việc xóa sổ báo Thanh niên Thời đại.

Ông Kiệt là nhà lãnh đạo có tầm nhìn xa, rất tiếc nhiều lúc dù quẫy đạp mạnh nhưng ông vẫn không thể vượt qua được hàng rào bảo thủ của chính những đồng chí của mình.

Tướng Thanh hiểu rõ tất cả.

GS Tương Lai hỏi gã: Ông biết vì sao ông Bảy Thanh lại cương quyết chọn chỗ ngồi ở bàn chúng ta ngồi không? Gã ngớ ra trước câu hỏi của GS, gã bảo chắc vì ông thấy “hợp cạ”.

Bác Tương Lai một người lọc lõi trong chính trường cười rồi bảo: Không phải chỉ vì hợp cạ đâu, mà vì ông muốn nói một điều gì rất hệ trọng. Ông thấy ở bàn này có những nhà báo. Ông muốn thông qua các nhà báo để truyền tải thông điệp của ông. Và ông đã nói về chuyện “thể chế dân chủ”, về “đối lập xây dựng” cùng sự “cần thiết tái lập đảng Lao động do cụ Hồ sáng lập” như chúng ta đã nghe.

GS còn nói thêm, tôi nghĩ ông Bảy Thanh là người rất chín chắn, kín kẽ, có dự cảm chính trị tốt, có thông tin từ nhiều nguồn nên thấy được lúc này là thời điểm thích hợp để nói.

Sẽ rất nhiều bạn đọc của gã ở các nước văn minh trên thế giới sẽ phì cười vì những điều sơ đẳng trên thế giới lại là điều phải tính toán chi ly nên nói mức nào, lúc nào, với ai.

Khổ! Rõ khổ!

Gã có nghe một nhà báo rất rành chuyện chính trường thủ thỉ rằng, mới đây có một số cán bộ lão thành cao cấp đã gặp lãnh đạo đảng bày tỏ lo ngại sự thiếu giám sát của đảng sẽ đẩy tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm không kiểm soát được dẫn tới nguy cơ tan đảng. Và nhóm lão thành đó đã kiến nghị nội bộ rằng để tránh sự tan đảng cần thiết phải tái lập đảng Lao động song song với đảng Cộng sản để có thể giám sát xây dựng nhau.

Thực ra chuyện đảng Lao động gã nghe râm ran từ lâu rồi.

Nhưng tại đám giỗ của ông Võ Văn Kiệt thì lần đầu tiên gã trực tiếp nghe từ một cán bộ đảng lão thành một cách công khai.

Dân chủ thể hiện thế nào đây?

Nhiều khi chỉ giản đơn bắt đầu từ những gì dấm dúi thành tiếng nói công khai.

Và tại đám giỗ của ông Kiệt gã cũng rất ấn tượng với tuyên bố công khai, yêu cầu các nhà báo cứ ghi âm của trung tướng Lưu Phước Lượng:

“Đảng phải triệt để đổi mới nếu không muốn mất ráo lòng dân”.

Chở thuyền là dân, lật thuyền là dân - lời dặn muôn đời của cụ Nguyễn Trãi.

Một lần nữa gã càng thấm thía cái ẩn ý sâu xa của ông Võ Văn Kiệt khi đặt tên con gái là “Hiếu Dân” và lấy bí danh của mình là “Sáu Dân”.


Lưu Trọng Văn



NGUỒN : trang FB của Lưu Trọng Văn
Kỳ  1  : bấm vào đây
__._,_.___

Posted by: Dien bien hoa binh 

No comments:

Post a Comment

Featured post

Bản Tin cuối ngày-19/11/2024

My Blog List