Sau một thời gian dài theo đuổi vụ kiện về
căn nhà với người con trai cả cùng máu mủ, đại gia Lê Ân đã giành phần thắng
trong phiên tòa ngày 23-12-2015.
Tuy nhiên, kết quả ấy đồng nghĩa với
nụ cười hay nước mắt? Bởi vì ông cực kỳ giàu có, sở hữu các tài sản hàng ngàn
tỷ đồng, chỉ riêng chiếc xe Rolls Royce rước dâu ông “mua chơi” khi làm đám
cưới với cô vợ thứ 5 mới 20 tuổi đã là 26 tỷ đồng, tức cỡ 1,5 triệu đo-la lúc
ấy (2011), vậy thì căn nhà đối với ông đâu có nhằm nhò gì. Dù khỏe ông cũng
không thể sống tới vài trăm tuổi được. Các tài sản lớn như núi ông sẽ để lại
cho ai ngoài cô vợ trẻ? Cha con lôi nhau ra tòa, nếu suy nghĩ kỹ “đại gia” sẽ
thấy ngậm ngùi và cái đó người ta kêu là… đại gia cũng khóc! ( Đoàn Dự)
Thứ
Năm, ngày 21 tháng 1 năm 2016
“Đại gia” cũng khóc - Đoàn Dự
ghi chép
(Lê Ân cùng cô vợ thứ 5)
Bước sang năm mới 2016, đại gia Lê Ân cũng vừa
tròn 78 cái xuân xanh. Thế nhưng không ai nghĩ ông là một cụ già, bởi lẽ ông
vẫn còn khẩu khí ngút trời và luôn có những hành động khó đoán. Sau một thời
gian dài theo đuổi vụ kiện về căn nhà với người con trai cả cùng máu mủ, đại
gia Lê Ân đã giành phần thắng trong phiên tòa ngày 23-12-2015.<!->
Tuy nhiên, kết quả ấy đồng nghĩa với nụ
cười hay nước mắt? Bởi vì ông cực kỳ giàu có, sở hữu các tài sản hàng ngàn tỷ
đồng, chỉ riêng chiếc xe Rolls Royce rước dâu ông “mua chơi” khi làm đám cưới
với cô vợ thứ 5 mới 20 tuổi đã là 26 tỷ đồng, tức cỡ 1,5 triệu đo-la lúc ấy
(2011), vậy thì căn nhà đối với ông đâu có nhằm nhò gì. Dù khỏe ông cũng không
thể sống tới vài trăm tuổi được. Các tài sản lớn như núi ông sẽ để lại cho ai
ngoài cô vợ trẻ? Cha con lôi nhau ra tòa, nếu suy nghĩ kỹ “đại gia” sẽ thấy
ngậm ngùi và cái đó người ta kêu là… đại gia cũng khóc!
Trong số những đại gia vẫn hãnh diện khoe số
tài sản hơn một ngàn tỷ của mình tại Việt Nam hiện nay, Lê Ân là trường hợp
không dễ hiểu chút nào. Cuộc đời ông nhiều thăng trầm, nhiều ngang trái mà cũng
nhiều… ngông nghênh. Vì vậy chuyện ông kiện tụng người con cả ruột thịt không
hẳn bởi một căn nhà, mà chủ yếu là để chứng minh công lý phải thuộc về phía
ông.
Người
con trai tranh chấp tài sản với đại gia Lê Ân có cái tên khá đặc biệt do chính
ông đặt: Lê Đa Ni En. Đó là con trai lớn nhất ông có với bà vợ đầu tiên tên Lê
Thị Ngọc Lan, đã gắn bó với ông từ thuở hàn vi. Để hiểu rõ vụ kiện một cách đơn
giản, chúng ta có thể tóm tắt như sau:
Căn nhà số 408 ngoài mặt đường Cách Mạng Tháng
8 được vợ chồng ông Lê Ân mua và sinh sống từ năm 1970, diện tích 76m2. Năm
1984, Lê Ân ly dị bà Ngọc Lan, để lại căn nhà này cho vợ cùng 5 người con ở và
buôn bán.
Ông “làm lại cuộc đời” với người vợ thứ hai
lai Mỹ, cô này có một đứa con, bỏ lại cho ông nuôi rồi đi mất. Ông hàn gắn với
người thứ ba tên Kim Thu, đồng thời năm 1970, để gần gũi với máu mủ ruột rà,
ông mua căn nhà ở ngay phía sau sát với căn nhà 408 Cách Mạng Tháng 8, có
diện tích 149,7m2.
Từ năm 1990, Lê Ân chuyển ra Vũng Tàu, mua nhà
ở Vũng Tàu, căn nhà 149,7m2 (tức căn phía trong) khóa cửa bỏ không.
Bẵng đi một dạo, Lê Ân phát hiện ra Lê Đa Ni
En đứng tên chủ quyền căn nhà 408 Cách Mạng Tháng 8 với diện tích lên đến
225,7m2, tức bao gồm luôn cả căn bỏ không phía trong, điều đó có nghĩa Đa Ni En
đã gộp hai căn làm một và điều lạ lùng là cơ quan hành chánh quận Tân Bình Sài
Gòn vẫn làm giấy tờ cho Đa Ni En làm chủ trong khi cả hai căn đều đứng tên Lê
Ân. Ông Lê Ân điên tiết, bèn khởi kiện con trai ra tòa để đòi lại tài sản của
mình.
Sau 25 năm kiện tụng, ngày 23-12-2015 đại gia
Lê Ân đã thắng con trai mình về mặt pháp lý. Còn về mặt đạo đức thì thật ê chề
khi hai cha con coi nhau như thù địch. Thậm chí trước tòa họ không xưng hô với
nhau có chút tình nghĩa, mà ông Lê Ân gọi con trai mình là “ông Đa Ni En”, còn
Đa Ni En gọi ông là “đại gia Lê Ân”. Ông Lê Ân biện giải với tòa rằng ông muốn
lấy lại căn nhà để sẽ bán đi, chia đều cho các con.
Tuy nhiên, mọi thứ dường như đã bị đẩy đi quá
xa khi, cũng trước tòa, ông nói về con trai: “Con cả của tôi không có cái tâm.
Tôi nhìn mặt nó không phải mặt người mà là mặt quỷ. Mấy chục năm qua nó định
đánh tôi nhưng tôi đều chạy. Chả lẽ tôi đánh lại nó thì bằng với nó hay sao? Là
một người cha mà có đứa con ngỗ nghịch như vậy thì tôi đành ngậm bồ hòn làm
ngọt. Cay đắng lắm nhưng tôi không biết làm thế nào”. Ối trời cao đất dầy, cha
con mà cạn tàu tráo máng như thế thì đúng là cay đắng thật!
Thẳng thắn mà nói, ông Lê Ân là một người rất
sòng phẳng. Ông luôn quyết liệt kiểu ăn miếng trả miếng, ơn thì đền, oán thì
trả. Trước khi cưới cô Mai Thị Mai (báo chí thường gọi là cô Mai Mai) nhỏ hơn
ông 55 tuổi làm vợ thứ 5, đại gia rất hận ba người vợ trước đó, nhân lúc mình
nguy khốn đã phụ bạc mình. Để thỏa cơn uất hận, ông cho tạc ba bức tượng của ba
bà vợ cũ và trưng bày ngay trước khuôn viên Khu du lịch Chí Linh của ông ở Vũng
Tàu. Đến nay ông vẫn bộc bạch với báo chí hầu như chưa nguôi cơn giận: “Tui cho
tạc tượng mấy bả để khắc cốt ghi tâm những gì mấy bả đã đối xử với tui. Mỗi lần
nhìn tượng mấy bả, tui càng có thêm nghị lực để vươn lên, nhắc nhở mình rằng
không nên sa lầy vào những cuộc hôn nhân không tốt đẹp như vậy nữa!”
Dĩ nhiên yếu tố để được gọi là đại gia là tiền
bạc chứ không ai đòi hỏi đại gia phải có phẩm chất của bậc đại trượng phu, bao
dung, độ lượng!
Tuổi thơ nghèo khó
Ông
Lê Ân sinh năm 1938 (Mậu Dần) trong một gia đình đông anh em ở Quảng Nam. Ông
là người con thứ 5.
Lê Ân có tuổi thơ nghèo khó, túng thiếu. Biến
cố đầu tiên của cuộc đời ông chỉ xuất hiện khi, năm 1958, 20 tuổi, ông trốn
quân dịch, vào thị xã An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là tỉnh Bình Phước) dưới chế
độ TT Ngô Đình Diệm.
Vào An Lộc, Lê Ân mưu sinh bằng cách thuê một chiếc
máy may hiệu Singer đã cũ – loại máy sử dụng bàn đạp bằng chân – rồi đặt trước
doanh trại quân đội An Lộc, phía trên vỉa hè để sửa thuê quần áo lính. Ông sửa
rẻ, lại đẹp nên lính đem ra sửa rất đông, nhiều khi làm không hở tay.
Hơn năm sau, Lê Ân đã có đủ tiền mua lại cái
máy may đã thuê đồng thời mua thêm 2 cái máy may khác để mướn thợ làm phụ với
mình.
Một lần, Lê Ân có một vị khách lạ. Ông cụ này
từ Bắc vào Nam từ năm 1948. Khách bảo “Thấy cậu khéo tay, lại cần mẫn làm ăn.
Nếu muốn học may áo vest thì tôi truyền cho”. Như hạn hán gặp cơn mưa, Lê Ân
nhận lời ngay lập tức và trở thành đệ tử của vị khách.
Sau khi đã học hết nghề, với một tấm giấy hoãn
dịch giả mua được của một sĩ quan ở An Lộc, Lê Ân gom hết vốn liếng, về Sài Gòn
thuê một căn nhà trên đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, quận 3) rồi mở một
tiệm chuyên may đồ vest với tên gọi Chiến’s Tailor.
Chỉ một thời gian ngắn, Chiến’s Tailor trở
thành một trong những tiệm may đồ vest hàng đầu của Sài Gòn với cách thức do
ông đặt ra: vải tốt, may đẹp, giá hạ và đúng hẹn. Tiền vào như nước nên chẳng
bao lâu sau Chiến’s Tailor trở thành một trung tâm Âu phục danh tiếng. Ông nói:
“Để quảng cáo cho mình, cứ hễ bước ra đường là tôi mặc đồ vest và là đồ do
chính tôi may”. Cái thói quen ấy Lê Ân vẫn còn giữ mãi tới ngày nay, áo vest
ông mặc phải nói là rất đẹp.
Có tiền, Lê Ân bắt đầu mở rộng thêm các ngành
nghề kinh doanh khác, như thành lập xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy; kinh
doanh xe lam, xe buýt chạy đường Sài Gòn – Bảy Hiền – Bà Chiểu; thành lập công
ty kinh doanh địa ốc; mua trái phiếu người cày có ruộng của nhà nước và công
khố phiếu quốc gia..vv.
Tiếp
theo đó, Lê Ân dồn toàn bộ vốn liếng thành lập một ngân hàng tư nhân của riêng
mình. Tuy nhiên, ngân hàng này chưa kịp kinh doanh có lời thì Sài Gòn “giải
phóng”. Toàn bộ trái phiếu, công khố phiếu quốc gia và các chứng từ có giá trị
lớn của ông dưới chế độ cũ đều biến thành… giấy lộn!
Cái
đáng quý nhất còn sót lại của Lê Ân sau khi ngân hàng của ông bị “đứt bóng” là
uy tín. Chính vì có uy tín nên mặc dầu trắng tay nhưng ông vẫn có những người
bạn cho mượn vốn. Ông kể: “Tôi bắt đầu lại bằng cách xin đấu thầu thu gom sắt
thép phế liệu thời hậu chiến. Thời đó, đây chính là một nguồn lợi khổng lồ”.
Ngoài
việc kinh doanh phế liệu, Lê Ân còn lao vào một lãnh vực hoàn toàn mới mẻ đối
với ông. Thời điểm này, người Việt ở các nước ngoài đã bắt đầu gửi quà về cho
gia đình, mà quà đa số là những thùng thuốc tây. Hợp tác với một dược sĩ tên
Gia, ông lập một hệ thống tư nhân thu mua thuốc tây – trong đó đặc biệt là các
loại thuốc “ngậm” – tức những thứ thuốc đặc trị các bệnh ít gặp. Ông nói:
“Chính vì là thuốc “ngậm” rất ít người mua nên khi thu vào giá rất rẻ, nhưng
nếu có ai cần đến thì lại bán được với giá rất cao. Mới nghe qua người ta thấy
phi đạo đức, nhưng cứ thử nghĩ, tôi bỏ ra một cây vàng chẳng hạn để mua một
thùng thuốc “ngậm”, rồi một năm sau, không bán được cho ai, thuốc hết “đát”
phải vứt bỏ là tôi mất luôn cả một cây vàng”.
Với việc dám mua bán các loại thuốc đặc trị,
Lê Ân thu được những khoản lời khổng lồ. Đặc biệt nhất là sau 2 năm kinh doanh
thuốc tây, hầu như ông thuộc lòng các mặt hàng thuốc, từ tên gọi cho tới công
dụng, liều dùng, giá cả v.v…
Từ những khoản lợi nhuận này, ông tiếp tục đầu
tư làm xưởng sản xuất xe đạp và nhà máy chế biến xà bông, đồng thời thành lập
tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng bạc nữ trang.
Tuy nhiên, mỗi đêm Lê Ân lại âm thầm phân kim hàng chục lượng vàng đã mua được
từ nhiều nguồn khác nhau, thêm bạc vào đó (gọi là vàng “xanh”, kém chất lượng)
để bán lại cho những người muốn đi vượt biên. Chính vì hành vi này mà Lê Ân bị
bắt và bị đi cải tạo một thời gian khá dài về tội giúp đỡ phương tiện cho người
vượt biên.
Bị đi kinh tế mới
Sau khi ra tù, Lê Ân bị cú sốc thứ hai khi nhà
nước CSVN thực hiện chủ trương đánh tư sản mại bản, gia đình ông thuộc thành
phần bị đuổi đi kinh tế mới.
Một người như Lê Ân đâu có chịu ở nơi rừng rú,
khỉ ho cò gáy, thiếu thốn đủ mọi thứ. Từ kinh tế mới, ông đem gia đình trốn về
Nha Trang để không ai biết gốc tích của mình, rồi mua nhà, lập cửa hàng bán đồ
phụ tùng xe đạp, sản xuất khung xe đạp và mua bán vải tại Chợ Đầm Nha Trang.
Tuy
nhiên, sai lầm lớn nhất của ông là giao toàn bộ tài sản, tiền bạc, vàng và kim
cương hột xoàn cho người vợ đầu gối tay ấp đã có với mình 5 mặt con, tức bà Lê
Thị Ngọc Lan. Năm 1984, bà này làm đơn ra tòa xin ly dị với lý do là ông luôn
luôn mèo chuột, có nhân tình nhân ngãi hà rầm bà không chịu nổi. Ông không có
giấy tờ gì chứng minh mình là chủ các tài sản đã giao cho vợ nên lại một lần
nữa trắng tay.
Quá thất vọng, Lê Ân bỏ Nha Trang trở về Sài
Gòn. Ông “làm lại cuộc đời” bằng cách mở một shop nhỏ buôn bán quần áo thời
trang tại quận 3 Sài Gòn. Bàn tay Lê Ân dường như có ma thuật, shop tuy nhỏ
nhưng buôn bán hết sức thành công. Sau đó ông mở thêm một chuỗi các cửa hàng
tại nhiều quận khác tại Sài Gòn. Có tiền, ông lập thêm các tiệm thuốc tây tại
các quận 1, 3 và quận 10.
Khi có nhiều tiền, ông thành lập Qũy tín dụng
Hòa Hưng (đây là tên do ông đặt ra với ý nghĩa vừa an hòa vừa hưng thịnh chứ
không phải Hòa Hưng ở khu Ngã ba Ông Tạ). Ông mua đồng rúp và lập thêm nhiều
chi nhánh kinh doanh vàng bạc. Ngoài ra ông còn có cổ phần lớn tại nhiều trung
tâm tín dụng khác.
Đối diện với án tử hình
Như một quy luật phát triển, Quỹ tín dụng Hòa
Hưng được chấp thuận cho phép nâng cấp thành Ngân hàng cổ phần Đại Nam. Tuy
nhiên, lúc có giấy phép thì tên của ông không có trong hội đồng quản trị.
Sau khi bị loại khỏi cuộc chơi này, Lê Ân trở
thành thành viên của các tổ chức tín dụng nằm trong một khối liên kết mà trước
đó ông được bầu làm chủ tịch.
Ông đề xuất sáp nhập Qũy tín dụng Phú Đông với
Quỹ tín dụng Thống Nhất vì hai quỹ này đang làm ăn lỗ lã, rồi ông bỏ vốn ra cứu
nó sống lại và được các thành viên bầu làm chủ tịch. Ông cũng “cứu sống” Quỹ
tín dụng Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu-Côn Đảo và nâng cấp nó thành Ngân hàng Thương
mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB). Ngân hàng này chính thức được khai trương tại Vũng
Tàu ngày 9/10/1991 do Lê Ân đứng đầu Hội đồng quản trị.
Tiếp đến, Lê Ân thành lập Công ty Lê Hoàng để
lập Khu du lịch Chí Linh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không cho phép VCSB lập
khu du lịch bởi vì ngân hàng không có chức năng làm du lịch. VCSB chuyển toàn
bộ dự án kinh doanh khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng. Chính vì vậy có
dư luận cho rằng Lê Ân lạm quyền, chi 82 tỉ đồng lấy từ VCSB cho Công ty Lê
Hoàng nơi Lê Ân làm chủ tịch Hội đồng quản trị..
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước khởi tố vụ án. Ngày
11/2/2000, Lê Ân cùng 6 thành viên trong Ban lãnh đạo VCSB bị bắt, và ngày
28/5/2001, ông bị tuyên án tử hình về tội lừa đảo, chiếm dụng vốn liếng của
VCSB, còn 6 thành viên kia thì bị các mức án tù khác nhau.
Lê Ân làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ
các chứng từ của VCSB cho cơ quan điều tra để chứng minh mình vô tội. Toàn là
tiền vốn do ông đã bỏ ra cho VCSB hoạt động mà thôi, nếu ông chuyển một số vốn
“của mình” sang Công ty Lê Hoàng thì đâu có gì là trái? Ông đã thành công và
được giảm án từ tử hình xuống 12 năm tù.
Trong
thời gian thụ án, do cải tạo tốt nên Lê Ân được cho ra ở nhà phía ngoài, không
bị nhốt chung với các tội nhân khác. Và ngày 31/8/2005, Lê Ân được thả sau hơn
5,5 năm bị giam giữ (tính cả 1 năm bị bắt giữ và ra tòa trước khi tuyên án).
Ông ra tù thì tài sản phải trả lại cho ông.
Bởi vậy hiện nay Lê Ân rất giàu, ngoài Trung tâm Du lịch Chí Linh ông còn làm
chủ một bãi tắm tại Vũng Tàu thuê của nhà nước, có bán vé để chuyên đón tiếp
khách du lịch nước ngoài, và nhiều cơ sở kinh doanh lớn khác.
Các bà vợ của Lê Ân
Người vợ đầu tiên của đại gia Lê Ân là bà Lê
Thị Ngọc Lan (năm nay 72 tuổi tức kém ông 6 tuổi). Hai người đã có với nhau 5
mặt con. Tuy nhiên, trong thời gian ông ở tù, bà này làm đơn xin ly dị, đem vào
trong tù cho ông ký và chiếm hết tài sản của ông. (Tượng phía bên trái, hình
người đàn bà mặc áo dài miền Trung, bưng bình nước đổ đi coi như đã dứt hết
tình nghĩa).
Người vợ thứ hai là một phụ nữ Việt lai Mỹ, ở
với ông được một năm thì bỏ đi làm ăn xa và mất tích, để lại cho ông một con
trai. (Người này không bị “lên tượng” vì ông không căm hờn).
Người vợ thứ ba tên Nguyễn Kim Thu (khi cưới
mới 20 tuổi), là một cô gái xinh đẹp, có học thức, người gốc Bắc. Đám cưới của
hai người diễn ra hoành tráng nổi tiếng ở Sài Gòn lúc đó. Tuy nhiên, chỉ được
mấy tháng, cô này đã bộc lộ nhiều thủ đoạn, trong đó có cả việc uống thuốc ngừa
thai để không có con với ông. Cưới nhau chưa đầy 6 tháng, cô ôm toàn bộ tiền và
vàng của ông bỏ trốn. (Tượng thứ ba phía bên phải, mặc áo tứ thân miền Bắc, tay
cầm nón quai thao cho biết gốc Bắc chứ cô không liên quan gì tới nghệ sĩ Quan
Họ Bắc Ninh).
Người vợ thứ 4, tên Khanh, gốc Phan Thiết.
Rất tin vợ, ông đặt cô vào vị trí Phó chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Lê
Hoàng. Khi Ngân hàng VCSB “đứt bóng” và ông lâm cảnh tù tội, việc điều hành
công ty được ông giao lại cho cô này. Tuy nhiên, trong thời gian ông ở tù, cô
âm thầm chuyển giao toàn bộ tài sản lẫn quyền lực của ông cho “người tình” là
một trưởng phòng trong công ty của ông. Kết cục của cuộc hôn nhân thứ 4 này
cũng là một cuộc ly dị trước tòa. (Tượng giữa).
Người vợ thứ 5 hiện nay, tên Mai Thị Mai. Cô
là một cô gái khá đẹp, kém đại gia Lê Ân 55 tuổi. Ông làm đám cưới cực kỳ hoành
tráng với cô cách đây 3 năm, khi ông 75 tuổi còn cô 20 tuổi.
Mai
Mai thuộc một gia đình “thường thường bậc trung” ở huyện Đất Đỏ tỉnh Bà Rịa-Vũng
Tàu, sau khi tốt nghiệp trung học đã xin được vào làm thư ký trong Khu du lịch
Chí Linh của đại gia Lê Ân năm cô 19 tuổi. Không để ý tới khoảng cách tuổi tác,
đại gia yêu cô, cầu hôn với cô và dùng siêu xe Rolls Royce Phantom trị giá hơn
1 triệu đô để … rước nàng về dinh, mời tất cả mọi người ở Bà Rịa ai đi đám cưới
thì có xe đưa rước và ăn uống hoàn toàn miễn phí theo kiểu buffet trong 3 ngày
tại Khu Du lịch Chí Linh.
Muốn bày tỏ sự cưng chiều cô vợ trẻ, ông còn
mua cho cô một chiếc xe hơn 500 ngàn đô la và bỏ ra 6 tỷ đồng đặt mua chiếc
giường đẳng cấp Hoàng gia Anh để mỹ nhân 20 tuổi ngả lưng khi mỏi mệt. Ông lớn
hơn bố mẹ vợ hơn chục tuổi nên gọi bố mẹ vợ là “cậu, mợ”, xưng “tôi”, còn bố mẹ
vợ gọi ông bằng “anh”, xưng “cậu, mợ”.
Mai Mai là người như thế nào? Vị đại gia nay
78 tuổi này cho biết: “Cuộc sống hiện tại của tôi rất hạnh phúc. Mai Mai có cái
tâm tu, tâm tiên chứ không phải tâm con người. Tâm của con người thì đâu có
được như thế. Cô ấy chăm sóc tôi rất chu đáo. Mặc dầu đã hơn 3 năm rồi mà chúng
tôi không có con nhưng cô ấy vẫn làm tròn trách nhiệm của một người vợ, không
hề có điều tiếng gì. Sáng nào chúng tôi cũng cùng nhau dậy sớm, tập thể dục
xong tôi đưa vợ đi ăn sáng rồi mới về làm việc. Ngày nào ăn thức ăn còn dư cô
ấy cũng không để tôi ăn lại vào ngày hôm sau vì sợ tôi tuổi cao, sức đề kháng
cơ thể không tốt, nên chính cô ấy ăn thức ăn cũ còn tôi ăn thức ăn mới. Khi nào
mua đồ ăn lạ về, người giúp việc làm xong, cô ấy đều ăn thử trước xem thế nào
rồi mới đưa tôi ăn. Thật sự nhiều khi tôi rớt nước vì có được người vợ như
vậy”.
Ông Ân kể tiếp: “Tiền bạc của cải tôi làm ra
nhiều nhưng kiếm được một người vợ như vợ tôi không phải chuyện dễ. Quê vợ tôi
ở cách chỗ chúng tôi chỉ khoảng 30 phút lái xe thôi, nhưng cả tháng hay 3 – 4
tháng cô ấy mới về một lần, còn thì chỉ quanh quẩn ở nhà giúp tôi làm việc và
chăm sóc tôi. Ban đêm tôi làm hồ sơ, vợ tôi nhập máy vi tính. Thử hỏi người đàn
ông nào nếu có người vợ như vậy thì họ có cảm thấy mãn nguyện không?”. (Không,
tui không mãn nguyện bởi vì ban đêm ngồi viết bài, tui mần thẳng trên máy vi
tính, nếu có người ngồi bên cạnh thì tui chịu không nổi dù đó là “người yêu quý
gần 40 năm trước” của tui!- ĐD).
Nói thêm về đức độ của người vợ trẻ, đại gia
Lê Ân cho biết: “Hiện tại, vợ tôi đang muốn tôi làm một quán cơm từ thiện nhưng
tôi chưa có thời gian. Người ta làm quán cơm từ thiện 1.000$, 2.000$/bữa, 3 món
canh, xào, mặn; còn cô ấy muốn quán cơm của chúng tôi phải hoàn toàn miễn phí.
Một ngày gần đây tôi sẽ thu xếp thời gian để làm một quán cơm như vậy cho cô ấy
vừa lòng. Tiền bạc đối với tôi không thiếu nhưng tôi chỉ thiếu thời gian mà
thôi”.
“Đại gia” và con trai tại tòa
Nói
tóm lại, tổng cộng ông Lê Ân có 5 người vợ và 6 người con (kể cả 1 người là con
của bà thứ 2 Việt lai Mỹ). Tuy nhiên, trở lại quá khứ, thậm chí cả trong hiện
tại, ông có mối quan hệ không lấy gì làm tốt đẹp nếu không muốn nói là hết sức
tồi tệ với bà vợ đầu tiên đã ly dị Lê Thị Ngọc Lan và người con cả Lê Đa Ni En.
Đa
Ni En là con trai lớn của ông Lê Ân với bà Ngọc Lan. Sau khi ly dị với bà Lan,
ông Ân đã nhiều lần kiện tụng, đòi mẹ con bà phải trả lại ngôi nhà 3 tầng ở số
408 đường CMT8, quận Tân Bình, Sài Gòn. Cũng chính vì căn nhà này mà mối quan
hệ cha con của ông hết sức căng thẳng.
Ông Lê Ân cho biết: “Thằng trưởng nam
(trong Nam kêu là “anh Hai”) của tôi đối xử với tôi không ra gì. Tôi nói thiệt,
nói ra thấy quá phũ phàng chứ sự thiệt tôi không dám về căn nhà số 408 Cách
Mạng Tháng 8 vì sợ bị cậu “quý tử” này đánh. Nó khăng khăng là căn nhà đó của
má nó, nó dùng võ lực cấm tôi bước chân vô. Khi tôi kiện má nó để đòi lại căn
nhà này, nó lên báo chửi tôi rất nhiều. Mọi người nói với tôi: “Anh đã mất một
đứa con rồi…”. Tôi nói: “Tôi biết là đã mất nó lâu rồi”. Trong di chúc tôi viết
rất rõ: “Tôi dứt khoát khai trừ đứa con này. Tôi còn sống cũng như tôi chết, nó
không phải là máu mủ, ruột rà với tui…”.
Mới
đây, ông Lê Ân lại tiếp tục đưa đơn kiện đòi bà Lê Ngọc Lan và anh Lê Đa Ni En
để đỏi lại nhà. Báo Một thế giới thông tin: “Tại Tòa án Nhân dân quận Tân Bình
Sài Gòn vào chiều 23.12.2015, hai người đàn ông có mối quan hệ ruột thịt đã xem
nhau như người xa lạ. Trước hội đồng xét xử, ông Lê Ân gọi anh Đa Ni En là “ông
Lê Đa Ni En”. Ngược lại, anh Đa Ni En gọi ông Lê Ân là “đại gia Lê Ân”. Và
trong suốt phiên tòa, hai người đàn ông gần như không một lần nhìn mặt nhau”.
Phiên tòa kết thúc, phần thắng thuộc về ông Lê
Ân và hội đồng xét xử bác đơn kiện của anh Lê Đa Ni En.
Sau khi rời tòa, ông Lê Ân và anh Lê Đa Ni-En
bước nhanh ra khỏi TAND Q.Tân Bình, tránh nhìn mặt nhau. Chỉ khi đi chung chiếc
cầu thang, lối đi duy nhất để ra xe, có cơ hội nhìn nhau nhưng anh Đa Ni En dấn
bước đi rất nhanh, còn ông Lê Ân lặng lẽ đi phía sau, cố tình làm bộ chăm chú vào
các bậc thang, coi như không thấy đứa con đang tranh giành tài sản với mình.
Ông
Lê Ân nói: “Khi đối diện với chính con đẻ của mình trước tòa, trông thấy mặt nó
tôi không thể nào bình tĩnh nữa. Tôi đã đeo đuổi vụ kiện vợ phản chồng, con
phản cha trong hơn 25 năm nay, quyết tâm đòi lại căn nhà cho bằng được”.
Thế đấy, “đại gia cũng khóc” là ở chỗ đó.
Đoàn Dự
__._,_.___
No comments:
Post a Comment